Quê hương và dòng họ Nguyễn_Văn_Lý_(nhà_Nguyễn)

Quê hương

Nguyễn Văn Lý sinh ngày 6 tháng 3 năm Ất Mão (24 tháng 4 năm 1795) tức năm Cảnh Thịnh thứ 3 tại phường Đông Tác, Trung Tự (nay thuộc phường Kim Liên và Trung Tự, Quận Đống Đa - Hà Nội). Quê hương ông vốn là một trong 36 phường của kinh đô Thăng Long thời nhà Lê. Sang thời Nguyễn, được đổi thành thôn Trung Tự thuộc phường Đông Tác, tổng Tả Nghiêm (sau thành tổng Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Hà Nội).

Dòng họ

Dòng họ Nguyễn ở phường Đông Tác là một trong những dòng họ lâu đời nhất ở kinh thành Thăng Long xưa. Theo gia phả còn lưu giữ được cho đến ngày nay, những người đầu tiên của dòng họ này đã đến định cư tại kinh thành Thăng Long từ thế kỉ 15. Đây cũng là dòng họ đã sản sinh ra nhiều danh nhân như Nguyễn Hy Quang (1634 - 1692), người đã được Chúa Trịnh truy tặng hàm Thị lang, gia phong Thượng thư, tước Hiển Quận Công, phong Phúc thần; Nguyễn Trù (1668 - 1738), đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa, đời Lê Hy Tông (năm 1697) làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám và được tặng Công bộ Tả Thị lang, tước Xương Phái hầu; Đặc tiến Phụ Quốc Thượng tướng quân Nguyễn Hữu Dụng (1661-1729)...

Cha của Nguyễn Văn Lý là Nguyễn Hữu Vọng (1762 - 1818), đỗ sinh đồ thời Lê, được phong tước Lương Vũ Bá nhưng không ra làm quan với nhà Tây Sơn.

Nguyễn Văn Lý là hậu duệ đời thứ 11 của dòng họ Nguyễn Đông Tác. Đến đời của ông, Thăng Long không còn là kinh đô, cho nên, đời sống dân cư về mọi mặt không còn hưng vượng như trước nữa. Ông thừa nhận: "Họ ta nghèo, thôn ta ở giữa thành thị, không có đất để cày cấy lại không có nghề nghiệp ổn định, rất đáng phải lo nghĩ".[1]